Trải qua biết bao nhiêu biến cố sau ngần ấy năm, Lê Hiền giờ đã trở thành HLV trưởng, chèo lái bóng chuyền nữ Kingphar Quảng Ninh hiên ngang trở lại nhóm tứ nương của bóng chuyền nữ Việt Nam. Đây cũng có thể coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của những VĐV chân chính, cống hiến không biết mệt mỏi như: Hải Yến, Thanh Huyền, Lê Hồng, Bích Vân, Hoàng Kim, Hồng Hạnh, Lê Yến hay Khánh Vy.
Còn nhớ cách đây vài năm, dù là một tỉnh mũi nhọn trọng điểm về kinh tế của cả nước, thế nhưng bóng chuyền nữ Quảng Ninh lại được xếp vào diện con nhà nghèo bởi những quy tắc bó buộc theo cơ chế. Thế nhưng, bóng chuyền nữ Quảng Ninh đã tìm thấy “đường sống” với một chính sách đặc thù do HĐND tỉnh ban hành và thu nhập trung bình của các cầu thủ đã tăng 4-5 lần, với mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi mới đây, đội bóng chuyền nữ lại đón nhận thêm nhà tài trợ với tên gọi mới Kingphar Quảng Ninh.
Kingphar Quảng Ninh vào chơi cúp Hùng Vương 2019 sau nhiều năm. |
Sau 3 năm xếp ở nhóm tầm trung, vòng 1 giải VĐQG 2019 được coi là cột mốc đáng nhớ, đấy là màn trình diễn mạnh bạo của Kingphar Quảng Ninh ở bảng B, khi cô trò HLV Lê Thị Hiền vượt qua đội hạng 4 mùa trước là Tiến Nông Thanh Hoá, bỏ lại sau lưng cả Truyền hình Vĩnh Long lẫn Đắk Lắk để đoạt lấy tấm vé dự Cúp Hùng Vương lần đầu tiên.
Đội bóng đất mỏ chủ động giữ sức khi buông trước Thông tin LVPB - “liền chị” thực sự của làng bóng chuyền nữ Việt Nam - nhưng đã kịp khuấy động bầu không khí vốn tẻ nhạt và thiếu thốn người xem của vòng 1 giải VĐQG năm nay bằng cuộc hành trình đáng nhớ về đất tổ Phú Thọ. Họ kết thúc vòng bảng ở vị trí thứ nhì, cùng Thông tin LVPB điền tên vào tốp 4 đội bóng nữ mạnh nhất lượt đi.
Như thổ lộ của HLV Lê Thị Hiền, ban đầu đội bóng Kingphar Quảng Ninh chỉ dám đặt mục tiêu trụ hạng, vì nhiều mùa trước cô trò họ cũng luôn bấp bênh với cuộc chơi như thế. Xong, với thể thức thi đấu mới, họ xếp vào bảng đấu “vừa miếng”, các đối thủ khác không trội hơn so với Kingphar Quảng Ninh cả về con người lẫn cơ hội. Thành thử, Lê Hiền dẫn dắt các học trò thắng một mạch 3 trận để đoạt tấm vé lịch sử dự Cúp Hùng Vương 2019.
Sau chiến công ấn tượng, cây chuyền 2 dạn dày kinh nghiệm Trần Hoàng Kim thả status trên facebook: “Ngày Giỗ tổ, bạn đi đâu? Còn tớ đi Việt Trì!”, như lời tự thưởng cho mình và cho cả cái tập thể vốn chưa được lắp ghép thật hoàn chỉnh về chuyên môn nhưng lại thừa khát vọng chiến thắng. Còn với 2 VĐV trẻ nhất giải là Khánh Vy và Mỹ Duyên thì đây thực sự là dấu mốc đáng nhớ của cả hai chị em. Thế nhưng, với Hải Yến, Lê Hồng, Thanh Huyền, Bích Vân, Hồng Hạnh, Lê Yến… thì đây quả thực là thành quả ngọt ngào, nỗ lực phấn đấu và cố gắng hết mình của cả cô và trò sau ngần ấy năm dài chờ đợi.
Đối thủ của Kingphar Quảng Ninh ở trận bán kết chính là nhà đương kim vô địch VTV Bình Điền Long An (nhất bảng A), đội bóng không đối thủ trong suốt 2 mùa giải đã qua. Có điều, chính HLV Nguyễn Quốc Vũ cũng thừa nhận ông và các học trò phải thực sự thận trọng và tôn trọng Kingphar Quảng Ninh, nhất là sau khi cô trò họ đã nỗ lực chen chân vào nhóm “tứ nương” làng bóng chuyền nữ. Còn với HLV Lê Thị Hiền thì cho biết: “Chúng tôi tự biết lựa sức mình, nhưng sẽ quyết tâm cống hiến hết khả năng vì khán giả cả nước.”
Từng là trung tâm lớn của bóng chuyền cả nước với 2 lần vô địch toàn miền Bắc, 8 lần vô địch quốc gia, nhiều lần được nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, bóng chuyền nữ Quảng Ninh cũng là cái nôi sản sinh ra các VĐV vang danh một thời, nhiều gương mặt trụ cột của đội tuyển quốc gia như Nguyễn Thị Thanh, Lê Thị Cẩm, Trần Thị Yến, Bùi Hương, Tô Dung, Lan Anh, Lê Thị Hiền, Trần Thị Hiền... Đây cũng là một trong số những trung tâm đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1981 đội được tặng Huân chương lao động hạng Ba, sau đó năm 1992 được tặng huân chương lao động hạng Nhì. 3 năm liên tiếp 1999, 2000, 2001 đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh giành ngôi vô địch quốc gia. Cùng năm 2001, đội vinh dự được nhà nước phong tặng huân chương lao động hạng Nhất.
Theo Volleyball