Giám đốc TTHLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng: Nghề “Bạc - nhưng vẫn vui!”

Trong những năm qua, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội (TT HLTT QGHN) luôn giữ vững vị trí là Trung tâm Huấn luyện số 1 của cả nước và là Trung tâm Huấn luyện hàng đầu Đông Nam Á. Trung tâm được thành lập ngày 19-11-1959 với tên gọi ban đầu là Trường Huấn luyện Kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương. Những ngày đầu khi mới thành lập, Trung tâm có gần 100 VĐV của các môn gồm Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Thể dục tập luyện trong những điều kiện trang thiết bị thô sơ: VĐV phải đi giày bata chạy trên sân xỉ than; toàn Trung tâm chỉ có diện tích 9ha...
Trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, TT HLTT QGHN đã đóng góp cho thể thao nước nhà nhiều thế hệ VĐV nổi tiếng như: Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thị Đông, Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng); Bùi Lương, Võ Đức Phùng, Hoàng An (Điền kinh), Nguyễn Cao Cường, Thế Anh, Trần Văn Khánh, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Vinh (Bóng đá); Vũ Thị Sen (Bơi lội); Cao Ngọc Phương Trinh, Văn Ngọc Tú (Judo); Thúy Hiền, Thúy Vy (Wushu); Hồng Hà, Bích Phương (Karatedo); Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Văn Vinh (Cử tạ)... Trung tâm đã góp phần huấn luyện và đào tạo hàng trăm VĐV có thành tích cao ở các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic, Đại hội TT Thế giới... đóng góp khoảng 70% số lượng huy chương cho Thể thao Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp trong suốt 58 năm qua của TT HLTT QGHN, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua và các danh hiệu khác.

Ngày nay, Trung tâm được mở rộng với diện tích gần 20ha ở 3 khu. Để có được không gian xanh, sạch, đẹp, tập thể cán bộ, công nhân viên của TT HLTT QGHN đã bỏ nhiều công sức phủ kín cây xanh ở cả 3 khu tập luyện, là điểm nhấn của phía Tây Hà Nội. Hiện nay, đội ngũ cán bộ của Trung tâm gần 150 người với 11 phòng chức năng. Hàng năm Trung tâm quản lý và phục vụ tập huấn gần 50 đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia với hơn 1.000 HLV, VĐV. Các VĐV tập huấn tại Trung tâm qua các thế hệ đạt nhiều thành tích trong khu vực, châu lục và thế giới.
Tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic... các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm luôn đóng góp cho thể thao nước nhà 2/3 số lượng huy chương các loại. Tại SEA Games 27, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 41/73 HCV, 36/86 HCB, 47/86 HCĐ; SEA Games 28 là 50/73 HCV, 39/53 HCB, 47/60 HCĐ; còn tại SEA Games 29 vừa qua, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 38/58 HCV, 36/50 HCB, 37/60 HCĐ cho Đoàn Thể thao Việt Nam, góp phần giúp thể thao nước nhà đứng trong tốp 3 của khu vực. Tại ASIAD 2010, các đội tuyển tập huấn tại Trung tâm giành 1/1 HCV, 11/17 HCB, 12/15 HCĐ; Asiad 2014, các VĐV giành 1/1 HCV, 8/10 HCB, 20/25 HCĐ. Đặc biệt là ở Olympic Bắc Kinh 2008, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn giành HCB; tại Olympic Brazil năm 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã xuất sắc giành 1 HCV, 1 HCB ở 2 nội dung thi đấu để giúp Thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có HCV Olympic và lọt vào tốp 50 của thế giới. Có được thành tích này trước hết là sự hy sinh khổ luyện của nhiều thế hệ VĐV, HLV, sự quan tâm của các cấp ngành; sự đóng góp thầm lặng của các nhà chuyên môn, tập thể CB, CNV Trung tâm, những người đứng sau tấm huy chương.

Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng là Thạc sĩ tâm lí thể thao, xuất phát từ VĐV nên có sự am hiểu về chuyên môn. Do vậy rất thông cảm với những khó khăn, vất vả của HLV, VĐV trong tập luyện. Trong khó khăn chung của ngành, mặc dù nhiệm vụ đươc giao rất nặng nề so với số lượng cán bộ, viên chức và người lao động, điều kiện về con người, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động sự nghiệp còn nhiều hạn chế nhưng nhiều năm qua, TT HLTT QGHN đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Tập thể lãnh đạo, CB, CNV, HLV, VĐV Trung tâm đã luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để đổi mới nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo các điều kiện về ăn, ở, chăm sóc hồi phục sức khỏe, cải tiến tác phong làm việc, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, môi trường, điều kiện sinh hoạt, tạo môi trường tập huấn tốt nhất góp phần nâng cao thành tích cho các VĐV. Các VĐV, HLV và cán bộ nhân viên tại các kỳ họp tổng kết hàng năm đều khẳng định TT HLTT QGHN có được như ngày nay là nhờ sự đóng góp một phần tích cực của Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Hùng chính là người đi đầu trong việc xóa bỏ bao cấp, chuyển sang cơ chế phục vụ. Với cương vị của người đứng đầu Trung tâm, ông Hùng luôn trăn trở, suy nghĩ và tìm cách để Trung tâm có môi trường tập huấn tốt nhất như: Phải làm sao để 100% HLV đổ mồ hôi, công sức lao động giúp VĐV đạt được hiệu quả. Thức ăn cho các VĐV, HLV phải ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh, đúng mùa, mỗi ngày VĐV được 3 bữa sữa, hoa quả; Hàng ngày, Trung tâm tổ chức hồi phục sau mỗi buổi tập, các đội tuyển đều có bác sỹ chăm sóc. Trung tâm quản lý kỷ luật chặt chẽ với VĐV nhưng lại không quá căng thẳng. Ở môi trường này phải luôn khơi dậy lòng yêu nước để cho các VĐV có quyết tâm, sự đam mê nghề nghiệp. Trung tâm thường xuyên tổ chức các kỳ đi thăm viếng nghĩa trang, nâng cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, tạo sức mạnh cho các VĐV. Trước các kỳ thi đấu SEA Games, ASIAD một tháng, Trung tâm đều tổ chức “cấm trại” đối với VĐV. Các cán bộ, HLV phải tích cực quản lý VĐV, tạo nhiều chương trình bổ ích, giúp VĐV quên đi nỗi nhọc nhằn trong tập luyện bằng các hoạt động văn   hóa, văn nghệ, các buổi nói chuyện về tâm lý... Trung tâm phải đảm bảo được nơi ăn, ở, tập luyện an toàn, chăm lo học văn hóa cho VĐV. Chính vì vậy các HLV, VĐV các đội tuyển luôn tin tưởng, chấp hành tốt các quy định đề ra.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã 7 lần đứng ra vận động các nhà tài trợ tổ chức Lễ xuất quân, tổng kết cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các đấu trường lớn mà không lấy kinh phí của nhà nước. Các buổi Lễ xuất quân đều được tổ chức trang trọng được truyền hình trực tiếp có các tiết mục biểu diễn văn hóa, văn nghệ và thể thao được các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành TDTT đến tham dự đánh giá cao. Ông cũng đứng lên kêu gọi nguồn tài trợ, hỗ trợ tiền thưởng cho các VĐV giúp cho họ thêm động lực, nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG HN nói đùa rằng: “Nhiều người vẫn bảo nghề này “bạc” lắm – Đôi khi ngẫm tôi cũng thấy vậy! Điều này cũng dễ hiểu, bởi VĐV đến với thể thao nhiều em còn rất nhỏ, các em phải làm quen với môi trường tập luyện khắc nghiệt, gian khổ phải sống xa gia đình, nhiều khi phải hy sinh những sở thích cá nhân... Tuổi trẻ trôi đi rất nhanh, cuộc đời VĐV ngắn, tiền thì ít, sau này không phải ai cũng làm HLV và họ phải tìm một nghề mới; nhiều VĐV nữ mải tập qua cả độ tuổi lấy chồng nghĩ mà cũng buồn vì họ đã cống hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp thể thao của Việt Nam. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ nếu các em không được chăm sóc tốt sẽ không có thành tích. Tôi luôn coi VĐV là tài sản của quốc gia do vậy phải tạo cho các em môi trường tập huấn tốt nhất khi các em đến Trung tâm tập luyện. Bên cạnh đó do đặc điểm tâm lý nghề nghiệp vẫn còn có những HLV mắc cái tính “công thần”, vẫn có những VĐV mắc bệnh “ngôi sao” do vậy, chúng tôi phải có cách quản lý đặc biệt.

Những năm gần đây, Trung tâm được sự quan tâm của Nhà nước đã cải tiến về chế độ tiền ăn, tiền công, tạo cho Trung tâm cơ sở vật chất như nhà hồi phục VĐV, sửa chữa nhà ở, tập luyện VĐV. Đặc biệt được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, trong đó Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã 2 lần đến thăm Trung tâm. Những đề nghị của Trung tâm đều được Bộ trưởng giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, do điều kiện thiếu kinh phí (5 năm qua không có kinh phí xây dựng), Trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu nhà ở, nhà tập nên Trung tâm phải gửi một số đội tuyển đi tập huấn ở các địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình. Bên cạnh đó là thiếu các trang thiết bị hiện đại. Hàng năm, Trung tâm được Nhà nước cấp tiền ăn, công, thuê chuyên gia, lương cán bộ, CNV, HLV nhưng kinh phí về phục vụ, quản lý rất ít, vài năm nay cứ đến tháng 10 là hết tiền. Tiền chống xuống cấp hàng năm chỉ được cấp từ 2 đến 3 tỷ đồng ở cả 3 khu tập với diện tích gần 20 ha là rất khó khăn để đảm bảo công tác đào tạo...”
Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy đằng sau ánh hào quang lấp lánh những tấm huy chương của các VĐV còn có nhiều sự hy sinh thầm lặng của nhiều người mà không phải ai cũng biết. Ông Hùng chia sẻ: “Năm 2003 SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, VĐV Judo Trần Thanh Ngời bị gãy cổ trong tập luyện. Ngời đã có 166 ngày điều trị ở bệnh viện. Hàng ngày sau giờ làm việc tôi đã cùng gia đình VĐV luôn ở bên cạnh Ngời. Dù được cả khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Xanh Pôn hết sức chăm sóc nhưng em đã không qua khỏi. Rồi tôi đã chủ trì làm đám tang và đưa em về Đồng Tháp”. Sau đó, thì VĐV Đỗ Xuân Tâm (Xe đạp) trên đường đua về đích lại bị tai nạn chuyên môn do nỗ lực quá sức, dù được cấp cứu kịp thời xong cũng không qua khỏi, lại một đám tang nữa ông Hùng phải lo liệu cùng với đồng đội. Không thể kể hết các VĐV thường xuyên bị tai nạn nghề nghiệp hay ngày nghỉ về nhà bị tai nạn giao thông, bất kể ngày đêm trường hợp nào ông Hùng cũng cùng bác sĩ Trung tâm có mặt để gửi tới các bệnh viện cấp cứu, chữa trị... Những việc quan tâm của ông trong tập luyện, thi đấu cũng như các hoạt động để cho các VĐV luôn được các HLV, VĐV biết đến và họ thầm cảm ơn từ đáy lòng, ông không nặng nề về vật chất mà nặng về tình nghĩa, ông thường giáo dục VĐV “Thắng không kiêu, bại không nản” và ở tại mỗi nhà tập sân tập bao giờ cũng có khẩu hiệu để nhắc nhở VĐV luôn phải phấn đấu hết mình như: “Mỗi VĐV là một chiến sĩ”; “Chiến thắng chỉ dành cho những người dũng cảm”; “Tất cả vì thành tích của thể thao Việt Nam”; “Khổ luyện thành tài, chăm chỉ miệt mài thành giỏi”; “Có công mài sắt có ngày nên kim”; “Cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn”; “Đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo”; “Vinh quang thể thao Việt Nam”...

 Ông nói nếu cái khẩu hiệu ăn vào máu của các VĐV thì sẽ có những cảm xúc đặc biệt giúp VĐV vượt qua mọi trở ngại trong tập luyện nhất là lúc thi đấu quốc tế. Đã là VĐV ai cũng “lo” nhất là không đạt được huy chương và phải biến sự “lo sợ” thành sức mạnh, ý chí, tinh thần. Ông luôn đồng cảm cùng các gia đình có VĐV bị mất và hàng năm mỗi dịp Tết đến Xuân về, nếu có điều kiện ông lại đi thăm gia đình các VĐV như: Trần Thanh Ngời, Đỗ Xuân Tâm, Văn Luận (môn Vật), Thu Huyền (môn Thể dục) và giúp các VĐV bị tai nạn như Nguyễn Thị Huệ (Vật)... Ông tranh thủ vận động các nhà tài trợ trao thưởng cho các VĐV xuất sắc như: Ánh Viên, Nguyễn Thị Như Ý, Văn Ngọc Tú... Ông làm các việc thiết thực như xin sổ tiết kiệm cho thân nhân các gia đình thương binh liệt sĩ của Trung tâm. Ong rất yêu quý các VĐV, song không phải ai cũng biết, ông nói: “Cứ mỗi lần làm Lễ xuất quân phải lo cho hàng ngàn người ăn ở, viết kịch bản, chạy chương trình truyền hình trực tiếp, huấn luyện cho các VĐV trẻ tham dự cùng các nghệ sỹ chuyên nghiệp... Xin tài trợ cho các VĐV là việc làm thiết thực giúp các VĐV có tinh thần sung mãn nhất trước khi ra trận thi đấu đem vinh quang về cho Tổ quốc”.

 Do hoàn cảnh xuất thân gia đình nghèo, đi lên từ VĐV ông thấu hiểu họ cần gì? Chính vì vậy, tại mỗi cuộc thi, các Đại hội quốc tế, ông luôn sát sao kích hoạt tinh thần VĐV, khi thất bại thì động viên an ủi, chia sẻ, cổ vũ khi chiến thắng. Đại hội nào ông Hùng cũng trích tiền riêng để thưởng cho VĐV. Ông nói: “may mà ngày trước gia đình có nhà hàng làm ăn được mới có điều kiện giúp các VĐV”, nhưng mấy ai biết được, thậm chí còn thị phi tạo dư luận xì xào về ông, nhất là mỗi khi tổ chức xét cân nhắc, bổ nhiệm. Ông nói “Nghiệp là vậy”, có nhiều việc ông góp ý thẳng thắn về thay đổi HLV thiếu tích cực, hay VĐV đã hết khả năng thi đấu chuyển sang làm HLV. Song nhiều khi VĐV được thành tích lại quá đề cao, tiếng xấu mình chịu. Đi làm nhiệm vụ rất vất vả cũng bị có người cố ý hiểu sai và “bôi xấu” vì đố kị. Ông cười hóm hỉnh nói: “12 năm qua làm việc tại đây từ Phó Giám đốc rồi Giám đốc chưa bao giờ tôi phải xấu hổ với lương tâm – làm việc không vụ lợi luôn hết mình vì VĐV. Khi xưa tôi được mọi người giúp đỡ nhiều nên giờ đây càng phải trả nghiệp và làm việc bằng cái Tâm”.

Ông Hùng chia sẻ là ông rất phục và kính trọng tấm gương của Giáo sư Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng viện Huyết học, và Giáo sư sẽ là tấm gương để ông noi theo. Chỉ có các HLV, VĐV ở bên ông mới hiểu ông làm tất cả cho họ có thành tích. Nói về những bất công mà đã phải hy sinh nhiều lúc không được ghi nhận, thậm chí cố ý tạo ra tiếng xấu, ông nói: “Tâm là cốt lõi! Nhiều khi bị thị phi, tôi cho là bình thường, nếu mình không xấu cứ ngẩng cao đầu mà sống miễn là Tâm và việc làm của mình làm tốt cho công việc”. Ông nói thêm: “Thể thao là vậy có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, hân hoan khi chiến thắng, buồn chán muốn bỏ sau thất bại nhưng tựu trung lại nghề này Bạc nhưng vẫn vui vì nó góp phần tạo cảm xúc cho mọi người”.

Thay mặt Ban giám đốc Trung tâm, ông Hùng mong muốn Nhà nước cần quan tâm phát triển ngành thể thao. Các tỉnh, thành, ngành, chính quyền phải cùng có trách nhiệm quan tâm đến công tác TDTT, thúc đẩy sự nghiệp TDTT phát triển cho nhân dân ở mọi nơi được tập luyện TDTT, góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật và chống các tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống tinh thần góp phần tạo an sinh xã hội để có nhiều niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Tùy từng điều kiện của mỗi địa phương mà đưa môn thể thao nào cho các em tập luyện, nhằm tăng cường sức khỏe và trí tuệ, nâng cao kỹ năng sống để sau này lập nghiệp. Cần phổ cập môn Bơi để giảm số trẻ em bị đuối nước hàng năm, đưa bóng đá và một số môn thể thao khác như: Võ, Điền kinh, Thể dục... vào chương trình giáo dục bắt buộc hoặc ngoại khóa để tăng chất lượng giáo dục thể chất, đồng thời tìm kiếm tài năng vì mọi người rất hâm mộ bóng đá. Bộ VH,TT&DL cần có giải pháp đột phá từ tổ chức bộ máy, xây dựng chế độ chính sách tốt cho VĐV, HLV và người làm công tác thể thao. Quy hoạch lại cơ sở vật chất cho thể thao trên cả nước để thể thao thành tích cao phát triển, tạo tinh thần cho mọi người tích cực tập luyện, tạo uy tín quốc gia thông qua thi đấu quốc tế. Hoạt động TDTT để quảng bá du lịch, văn hóa đến các nước, đồng thời TDTT cũng là món ăn tinh cho nhân dân hàng ngày được hưởng thụ.

Một mùa xuân mới đang về với Trung tâm HLTTQGHN, đơn vị có số lượng VĐV tập luyện đông đảo. Năm 2018 với ASIAD ở Indonesia sẽ mang tới những thách thức mới khi mục tiêu giờ đây của Đoàn Thể thao Việt Nam đã lớn hơn kỳ Đại hội trước rất nhiều. Với sự nỗ lực và cố gắng của cán bộ, công nhân viên, Trung tâm sẽ quản lý, đào tạo và phục vụ tốt các đội tuyển, tuyển trẻ tập huấn theo quyết định của Tổng cục TDTT. Đảm bảo các điều kiện về ăn, ở, chăm sóc sức khỏe, hồi phục dinh dưỡng, trang bị thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị tập luyện và thi đấu; chú trọng chăm lo các VĐV tham dự ASIAD 18 và xa hơn nữa là Olympic 2020, SEA Games 2021 tổ chức tại Việt Nam.

Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt BGĐ Trung tâm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG HN, thông qua Báo Thể thao Việt Nam xin cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT, sự tin tưởng ủng hộ của các đơn vị thuộc Tổng cục TDTT, các Sở VH,TT&DL, ngành thể thao Công an, Quân đội, Bộ GD-ĐT. Xin cảm ơn người hâm mộ, các đơn vị tài trợ, các Báo, Đài đã đồng hành cùng Trung tâm. Xin cảm ơn tập thể cán bộ, CNV, HLV, VĐV đã cùng chung tay xây dựng để Trung tâm có được như ngày hôm nay.

Xin chúc những người đã và đang làm công tác thể thao luôn mạnh khỏe hạnh phúc, bình an!

MAI ANH

Trích Nguồn Báo Điện tử Đời Sống và Pháp Luật (https://www.doisongphapluat.com/)

http://thethaovietnam.vn/the-thao/giam-doc-tthlttqg-ha-noi-nguyen-manh-hung-nghe-bac-nhung-van-vui-365-274673.html

Đã đăng bởi BigSMS trong mục Chuyện thể thao
2087 lượt xem